Hủ tiếu khô không chỉ là một món ăn ngon mà còn rất dinh dưỡng, đặc biệt phù hợp cho bữa sáng khi cơ thể cần sự cung cấp nhiều năng lượng. Dưới đây là những cách chế biến ngon và đúng vị mà chúng tôi muốn giới thiệu đến bạn.
Hủ tiếu khô – món ngon danh bất hư truyền của ẩm thực Việt
Ẩm thực Việt Nam đa dạng, phong phú và đặc biệt, đặc biệt là hủ tiếu khô. Có thể nói đây là một món ngon danh bất hư truyền chỉ có ở Việt Nam. Không chỉ người dân trong nước mà cả khách nước ngoài khi thưởng thức món này cũng đánh giá rất cao.
Hủ tiếu khô được trộn chứ không có nước lèo chan vào như truyền thống. Thay vào đó, món ăn độc đáo này có nước sốt sệt sệt thấm đẫm trong từng sợi hủ tíu. Một tô hủ tiếu khô đúng chuẩn sẽ có sợi bánh dai mềm, trắng ngần, các loại rau xanh như xà lách, giá, rau thơm,… cùng các nguyên liệu chính khác như mực, bò viên, hải sản, giò heo,… rồi chan nước sốt lên. Quả thực là một hương vị tuyệt vời.
4 cách nấu hủ tiếu khô đơn giản, ăn là nghiện
Bạn có thể “hô biến” một món ăn ngon từ hủ tiếu khô thông qua những nguyên liệu dễ tìm, dễ chế biến bằng các cách sau:
2.1 Hủ tiếu khô xá xíu
Bắt nguồn từ Trung Hoa, món này hiện nay cũng dần phổ biến ở Việt Nam. Khi thưởng thức, bạn sẽ thấy sợi hủ tiếu dai dai, thịt ngọt tự nhiên và vị chua cay vô cùng hấp dẫn.
- 1kg hủ tiếu
- 1kg thịt heo
- 30g bột xá xíu
- Hành củ, tỏi
- ½ chén tóp mỡ
- Hành lá, mùi tàu, chanh, rau sống ăn kèm
Ngoài ra, còn có các loại gia vị như dầu mè, nước tương, tương cà, dầu ăn, muối, đường, hạt nêm, bột ngọt, tiêu xay,…
Tiếp theo, bạn phải sơ chế các nguyên liệu trước để khi nấu có thể tập trung vào món ăn mà không bị gián đoạn.
- Hành củ, tỏi bóc vỏ mang đi xay nhuyễn.
- Thịt lợn mua về cần rửa, cắt thành những miếng nhỏ vuông to một chút để nướng không bị cháy. Sau đó, ướp cùng hành tỏi băm, bột xá xíu, một ít tiêu, 2 thìa cà phê đường, 1 thìa muối. Đảo trộn cho thấm đều gia vị sau đó chờ khoảng 2-3 giờ đồng hồ.
- Pha nước sốt: cho vào bát 2 thìa nước tương, ¼ thìa đường, ¼ thìa giấm đỏ, ½ thìa xì dầu, bột tiêu. Khuấy đều tay cho hỗn hợp tan ra nhìn đặc sánh là được.
Giờ thì bắt đầu thực hiện theo 3 bước sau:
Bước 1: Nướng thịt xá xíu
Thịt sau khi ướp xong sẽ nướng bằng lò nướng hoặc nồi chiên không dầu. Cài đặt nhiệt độ khoảng 180 độ C trong 12 phút. Sau đó mở ra lật lại, phết lên mặt thịt chút nước sốt rồi nướng thêm 10 phút nữa. Sau khi thịt chín, bỏ ra đĩa cho bớt nóng rồi thái nhỏ thành miếng mỏng vừa ăn.
Bước 2: Nhúng hủ tíu
Tiếp theo, nhúng hủ tíu vào nồi nước sôi trong vài phút để đạt độ dai mềm cần thiết. Nếu nhúng quá lâu sẽ làm chúng chín bở và bị nát. Vớt hủ tíu cho ra rổ để róc nước, tiếp theo cho vào tô thêm chút dầu ăn để không bị đóng bánh.
Bước 3: Trộn nước sốt và trang trí
Thêm nước sốt vào bát, trộn đều lên. Xếp lên trên thịt xá xíu, rau sống, hành lá đã trụng qua nước sôi, thêm tóp mỡ lên trên nữa là ăn được.
2.2 Hủ tiếu khô bò viên
Khi kết hợp bò viên với sợi bánh dai và nước sốt đặc biệt, bạn sẽ nhận được một hương vị rất khác biệt. Thật khó cưỡng lại một tô hủ tiếu thơm lừng mùi tiêu, rau húng quế, hành tỏi phi, bò viên, tóp mỡ giòn giòn. Tất cả đã tạo nên một hương vị tuyệt vời, đặc biệt hơn trong mùa đông lạnh khi ăn món này.
- 500g bò viên
- 500g hủ tiếu
- 500g thịt bò
- 100g lạc rang
- 100g tóp mỡ
- Hành khô, tỏi
- Gia vị khác như dầu hào, nước mắm, xì dầu, muối, ớt bột, tiêu, tương, dầu ăn, hạt nêm, mì chính,…
- Các loại rau ăn kèm: Giá đỗ, rau mùi, xà lách,…
Sau khi có đủ nguyên liệu, hãy bắt đầu thực hiện theo các bước sau:
Bước 1: Luộc bò viên
Bò viên cần chọn những gói còn HSD, viên bò có màu sáng, không có mùi hôi hay bị chảy nước. Rửa lại bò viên với nước sạch, thêm khoảng 600ml nước vào nồi đun sôi. Sau đó, thả bò viên vào luộc khoảng 15 phút thì vớt ra.
Bước 2: Trụng hủ tiếu
Lấy một lượng hủ tiếu khô đủ ăn, trụng vào nước đun sôi cho mềm chín. Sau đó thêm vào một chút dầu ăn cho các sợi không dính vào nhau.
Bước 3: Trụng giá đỗ và hành
Giá đỗ và hành sau khi rửa sạch, hành cắt khúc khoảng 4 cm. Sau đó trụng sơ lại với nước sôi hoặc tận dụng lại nước trụng ở trên.
Bước 4: Trộn hủ tiếu khô
Hành tím khô bóc vỏ, thái lát phi cùng tỏi băm để trộn, làm tăng hương vị món ăn. Lấy một chiếc bát tô cho vào đó 1 thìa xì dầu, ½ thìa nước tương, ½ thìa sa tế, hành phi, tóp mỡ vào trộn đều. Sau đó, cho hủ tiếu vào trộn tiếp để từng sợi được thấm đều gia vị.
Bước 5: Trang trí
Thêm giá đỗ và hành trụng vào bát, xếp bò viên lên trên và rải vào chút lạc rang nữa. Nếu thích ăn cay, bạn có thể cho sa tế vào.
2.3 Hủ tiếu khô mực
Đây là món thứ ba mà mình muốn giới thiệu, đặc biệt dành cho những tín đồ cuồng hải sản. Nên chọn mực tươi để khi ăn sẽ giòn, mềm và không bị tanh. Bạn cũng có thể kết hợp thêm hải sản khác như tôm, bạch tuộc, bề bề,… để tạo thêm vị hấp dẫn. Chắc chắn khi ăn bạn sẽ không muốn dừng lại.
Nguyên liệu cần có:
- 600g hủ tiếu khô
- 600g mực tươi
- 400g tôm tươi (nếu thích)
- 12 quả trứng cút
- Hành khô, tỏi
- Gia vị khác như dầu hào, nước mắm, xì dầu, muối, ớt bột, tiêu, tương, dầu ăn, mì chính,…
- Các loại rau ăn kèm: Giá đỗ, rau mùi, xà lách,…
Mua đủ nguyên liệu rồi, chúng ta vào bếp thôi. Thực hiện lần lượt theo các bước này nhé.
Bước 1: Sơ chế nguyên liệu
- Mực mua về xát với chút muối rồi rửa lại với nước, để róc nước. Để nhìn trông đẹp mắt hơn, lấy dao khứa nhẹ các đường đan chéo nhau, sau đó cắt thành miếng vừa ăn.
- Tôm lột bỏ đầu, rút chỉ lưng, rửa sạch lại với nước, để ráo.
- Rau sống nhặt xong rửa nhiều lần cho sạch. Bạn có thể dùng nồi trụng hủ tiếu để trụng sơ hoặc để ăn sống đều được.
Bước 2: Nhúng hủ tiếu khô
Tiếp theo, trần hủ tiếu khô trong nồi nước sôi khoảng vài phút để sợi mềm. Vớt ra rổ để róc nước, sau đó cho vào tô thêm chút dầu ăn để sợi bánh tơi hơn.
Bước 3: Xào mực, tôm
Bạn có thể kết hợp tôm với mực để tạo hương vị đặc biệt. Bắt đầu bằng việc phi hành tỏi cho thơm, nhớ chú ý để lửa nhỏ để không bị cháy đen. Tiếp theo, bạn cho tôm và mực vào xào cho tới khi chín.
Bước 4: Nấu nước sốt
Tương tự, bạn cũng phi hành và tỏi cho thơm sau đó cho vào 3 thìa nước tương, ½ thìa hạt nêm, 1 thìa dầu hào, 2 thìa đường và 100ml nước. Đun sôi khoảng 5 phút cho tan hết đường. Hãy thử nếm nước sốt xem đã đúng khẩu vị của bạn chưa, nếu cần, hãy điều chỉnh lại.
Bước 5: Trộn thành phẩm
Trộn hủ tiếu với phần nước sốt đã nguội trên để ngấm đều gia vị. Sau đó, cho tôm, mực xào vào trang trí. Thêm rau sống, lạc rang, trứng cút luộc. Vậy là đã xong một món ăn dinh dưỡng cho bữa sáng rồi.
2.4 Hủ tiếu khô thịt bằm
Món ăn này rất dễ làm, nguyên liệu cũng dễ kiếm. Nếu bạn lười ra ngoài buổi sáng, có thể tận dụng những nguyên liệu có sẵn như thịt băm, trứng cút, hủ tiếu khô, gia vị thông dụng, xà lách để chế biến. Hương vị của món ăn này cũng rất ngon, vị chua ngọt của thịt sốt cà chua cùng hủ tiếu dai mềm khiến bạn không thể cưỡng lại. Công thức này cũng có thể áp dụng với bánh phở khô.
- 1 gói hủ tiếu
- 200g thịt bằm
- 10 quả trứng cút
- 2 tép tỏi, 1 củ hành tím khô
- 1 quả cà chua
- Gia vị thường dùng khác như nước mắm, muối, ớt bột, dầu ăn, hạt nêm, mì chính,…
- Giá, cần tây, hành lá, rau sống
Bước 1: Sơ chế nguyên liệu
- Tỏi, hành tím bóc vỏ rồi tiến hành băm nhỏ.
- Có thể mua sẵn thịt xay ngoài siêu thị hoặc mua thịt cả miếng về tự xay. Cho hạt nêm, mì chính, hạt tiêu và nước mắm vào ướp đảo đều. Thêm vào chút dầu ăn để lát nước thịt không bị khô.
- Trứng cút luộc chín rồi bóc vỏ, có thể gấp đôi nếu muốn.
- Rau sống hành lá nhặt, rửa sạch, để ráo.
Bước 2: Xào thịt băm
Đổ hành tỏi băm vào phi vàng, thêm cà chua vào xào nhuyễn. Cho thịt bằm vào xào cùng cho tới khi chín thì nêm nếm gia vị cho vừa vặn rồi tắt bếp.
Bước 3: Trụng hủ tiếu khô
Nấu một nồi nước sôi khoảng 300ml, sau đó cho hủ tiếu vào luộc chín, vớt ra bát. Thêm vào một chút dầu ăn để tơi ra từng sợi, tránh lúc nguội sẽ bị vón cục và khó thấm gia vị.
Bước 4: Thưởng thức
Cho thịt băm và bát và trang trí thêm rau sống. Màu trắng của hủ tiếu, màu đỏ của thịt xào cà chua và màu xanh của rau sống tạo nên một món ăn rất bắt mắt.
Một vài mẹo hay giúp món hủ tiếu khô ngon tròn vị
Với người mới nấu, thường khó đạt được vị như mong muốn. Tuy nhiên, có một số mẹo vặt có thể giúp bạn thành công ngay từ lần đầu.
Trước hết, hủ tiếu khô thường cứng và dễ gãy. Hãy ngâm nó với nước lạnh để sợi bánh mềm hơn. Như vậy, khi trụng nước nóng sẽ nhanh hơn và sợi bánh sẽ dai, không bị bở và ăn ngon hơn.
Nguyên liệu cũng rất quan trọng, hãy chọn đồ tươi để món ăn giữ được vị ngọt tự nhiên. Thêm vào đó, nên dùng nồi nấu hủ tiếu bằng điện nếu nấu nhiều suất ăn để không bị bụi bay vào thức ăn.
Trên đây là các cách chế biến hủ tiếu khô mà bạn nên thử làm để thay đổi món ăn cho gia đình. Cách làm rất dễ dàng, không cầu kỳ, phức tạp như món nước. Hãy thử và tận hưởng hương vị đặc biệt của món hủ tiếu khô nhé!
Nguồn: Cá Tầm Giống