Cơn đau dạ dày thường xuyên làm ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Tuy nhiên, có những cách trị đau dạ dày tại nhà mà bạn có thể áp dụng để giảm đau nhanh chóng và đạt được sự thoải mái ngay lập tức.
1. Gợi ý 7 cách trị đau dạ dày cho hiệu quả nhanh chóng
1.1. Xoa bóp bụng
Xoa bóp bụng là một hình thức vật lý trị liệu đơn giản mà bạn có thể tự áp dụng tại nhà khi bị đau dạ dày. Khi xoa bóp đúng cách và đúng vị trí, bạn có thể xoa dịu cơn đau và giảm nhanh các cơn co thắt dạ dày. Hãy thực hiện theo các bước sau:
Bước 1: Xoa nóng 2 bàn tay, nên dùng thêm vài giọt dầu nóng để có hiệu quả tốt hơn.
Bước 2: Áp tay vào bụng, bắt đầu xoa đều từ trái sang phải và từ trên xuống dưới.
Lưu ý, chỉ nên xoa bóp bụng sau khi đã ăn ít nhất 1 giờ, tránh áp dụng cách này khi đói vì sẽ làm tổn thương dạ dày. Mỗi lần xoa bụng chỉ nên giới hạn trong khoảng 10-15 phút là đủ.
1.2. Uống nhiều nước ấm
Việc uống đủ nước mỗi ngày là điều bắt buộc đối với người bệnh có vấn đề về tiêu hóa. Thiếu nước hoặc mất nước sẽ ảnh hưởng đến hoạt động tiêu hóa, làm chậm quá trình tiêu hóa và tăng nguy cơ đau dạ dày. Uống nước cũng giúp giảm các chứng ợ nóng, ợ hơi, ợ chua.
Người trưởng thành nên uống khoảng 2 lít nước mỗi ngày. Đối với trẻ em, lượng nước này sẽ ít hơn, thường dao động từ 950ml đến 1,2 lít tùy theo độ tuổi.
1.3. Chườm ấm trị đau dạ dày
Chườm ấm bụng có hiệu quả nhanh đối với đau dạ dày nhẹ. Bạn có thể dùng khăn ấm hoặc túi sưởi đặc biệt để chườm. Khi hơi ấm tiếp xúc với vùng bụng, các mạch máu thượng vị sẽ giãn nở, giảm sự co bóp ở dạ dày và làm giảm cơn đau hiệu quả. Hãy chườm ấm trong khoảng 10-20 phút khi đau bụng, nhiệt độ nước từ 50-60 độ C.
1.4. Hít thở đều
Hít thở đều giúp giảm nhanh cơn đau dạ dày do căng thẳng quá mức gây ra. Hít thở đều sẽ ổn định tâm trạng và giúp dạ dày giảm tiết dịch và giải phóng endorphin – chất dẫn truyền thần kinh giảm đau tự nhiên. Hãy tập hít thở 2 lần mỗi ngày, mỗi lần duy trì từ 3-5 nhịp.
1.5. Dùng gừng trị đau dạ dày
Gừng là một trong những “bài thuốc” giảm đau dạ dày mà bạn có thể dùng tại nhà. Bạn có thể sử dụng gừng trong chế biến thức ăn hàng ngày hoặc uống trà gừng. Tuy nhiên, hãy sử dụng gừng đúng cách và đúng liều lượng, vì sử dụng quá nhiều gừng có thể gây ra các vấn đề về tiêu hóa như đầy hơi, khó tiêu, ợ chua, ợ nóng.
1.6. Dùng nghệ và mật ong
Nghệ và mật ong đã được biết đến từ lâu là những bài thuốc chữa bệnh dạ dày hiệu quả. Chúng có tác dụng chống viêm tự nhiên và giúp giảm viêm, giảm đau bao tử hiệu quả.
Bạn có thể hòa tan nghệ vào nước ấm và thêm mật ong theo tỷ lệ 100ml nước – 10g bột nghệ – 2 thìa mật ong, và uống 2-3 ly mỗi ngày trước hoặc sau bữa ăn. Bạn cũng có thể trộn nghệ với mật ong và tạo thành viên nhỏ để ăn trực tiếp, mỗi lần ăn 2-3 viên trước hoặc sau bữa ăn.
1.7. Dùng thuốc ức chế acid
Dùng thuốc là biện pháp giảm đau dạ dày nhanh chóng và hiệu quả nhất. Thuốc ức chế acid dạ dày giúp giảm ngay cả cơn đau và các chứng ợ hơi, ợ chua.
Tuy nhiên, không nên dùng thuốc quá thường xuyên vì nó có thể gây ra các tác dụng phụ không mong muốn như viêm teo thành dạ dày, táo bón, hoặc tiêu chảy. Hãy sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.
2. Kiểm soát cơn đau dạ dày bằng chế độ ăn đúng cách
Các phương pháp trên chỉ giúp giảm đau dạ dày trong thời gian ngắn. Để kiểm soát và phòng tránh đau dạ dày hiệu quả, bạn cần tuân thủ một chế độ ăn uống khoa học.
-
Tập trung vào các thực phẩm tốt cho tiêu hóa như rau củ tươi, hoa quả tươi, ngũ cốc, thực phẩm giàu probiotic, thực phẩm chống oxy hóa, và thực phẩm bổ sung vitamin.
-
Hạn chế các thực phẩm gây hại cho dạ dày như đồ chiên rán, chất béo không tốt, đồ ăn chua, đồ ăn & gia vị cay nóng, đồ ăn lên men chua, đồ uống có gas, chất kích thích, rượu và bia.
-
Bỏ thuốc lá.
-
Uống đủ nước.
-
Thực hiện thói quen ăn uống khoa học: ăn đúng giờ, chế biến thức ăn dễ tiêu hóa, nhai kỹ, chia nhỏ thành nhiều bữa trong ngày, tránh để đói hoặc ăn quá no trong một bữa.
-
Vận động một cách điều độ hàng ngày để tăng cường hoạt động tiêu hóa.
-
Kiểm soát căng thẳng và tránh stress kéo dài.
Hãy áp dụng các cách trị đau dạ dày phù hợp để giảm đau nhanh chóng và hiệu quả. Đồng thời, hãy duy trì chế độ sinh hoạt khoa học và thường xuyên thăm khám chuyên khoa tiêu hóa khi cần thiết.