Bên cạnh mâm cơm rượu nếp cái hoa vàng, rượu nếp cẩm cũng được ưa chuộng không kém trong ngày Tết Đoan Ngọ. Hãy cùng tìm hiểu cách làm rượu nếp cẩm chi tiết để bạn có thể chiêu đãi cả gia đình trong ngày mùng 5 tháng 5.
Hướng Dẫn Chọn Nguyên Liệu Làm Rượu Nếp Cẩm
Khác với nếp cái hoa vàng, nếp cẩm có màu tím thẫm tuyệt đẹp. Hạt gạo nếp cẩm có hình dáng dẹp, dài đặc trưng. Để chọn hạt nếp ngon, bạn có thể tham khảo một số mẹo sau:
- Độ cứng của hạt gạo: Một trong những yếu tố quan trọng là độ cứng của hạt gạo. Bạn có thể dùng móng tay bấm nhẹ vào hạt nếp, nếu thấy hạt gạo cứng, không gãy hoặc vỡ vụn thì đó là gạo ngon.
- Mùi thơm: Giống như các loại gạo nếp khác, nếp cẩm cũng có mùi thơm nhẹ. Nếu thấy mùi lạ như ẩm, mốc thì tuyệt đối không nên mua.
Bên cạnh đó, hạt nếp cẩm có hình dáng và màu sắc tương tự như nếp than, dễ khiến nhiều người nhầm lẫn. Hạt nếp cẩm thường tròn, to hơn từ 1.5 – 2 lần so với nếp than. Trái lại, nếp than thường nhỏ, dài, màu thẫm phủ kín cả hạt gạo. Nếp cẩm sẽ có phần bụng màu vàng hơi nhạt, hạt gạo hơi dẹt nhưng vẫn có độ căng tròn.
Đối với men ủ cơm, bạn nên chọn loại men bắc vừa thơm ngon lại đảm bảo an toàn cho sức khỏe.
Cách Làm Rượu Nếp Cẩm Thơm Ngọt
Để làm món rượu nếp cẩm thơm ngọt, hấp dẫn mà không bị cay, bạn có thể tham khảo công thức sau:
Nguyên Liệu Cần Có:
- Gạo nếp cẩm: 1kg
- Men rượu (men bắc): 15g
- Lá chuối
- Hũ thủy tinh/hũ sành
Chi Tiết Cách Làm Rượu Nếp Cẩm:
Bước 1: Nấu Cơm Rượu
- Gạo nếp cẩm mua về rửa sạch rồi ngâm khoảng 1 – 2 tiếng với nước ấm. Để đảm bảo gạo nở đều và khi nấu cơm thơm mềm, bạn nên ngâm gạo qua đêm.
- Sau khi rửa sạch, bỏ gạo vào nồi và thêm nước đến mức gạo gần mặt nồi. Nấu như bình thường.
- Kiểm tra cơm chín, xới ra mâm và để nguội.
Bước 2: Ủ Men Cơm Rượu
Trong quá trình làm rượu nếp cẩm, quy trình ủ men là quan trọng nhất.
- Cho men bắc vào cối sạch rồi giã mịn.
- Rắc men lên mặt cơm nếp đã nguội. Dùng đũa hoặc tay trộn thật đều để men bám lên bề mặt cơm.
- Xếp lá chuối vào rổ hoặc hũ ủ cơm rượu, sau đó cho cơm rượu vừa được trộn men vào.
- Gấp lá chuối lại và đậy kín để cơm rượu lên men tốt nhất.
Thời gian ủ cơm rượu khoảng 3 – 5 ngày, tùy thuộc vào thời tiết. Nếu tiết trời nóng, quá trình ủ có thể nhanh hơn.
Bước 3: Hoàn Thành
Mở nắp hũ kiểm tra xem cơm rượu đã chín men chưa. Rượu nếp cẩm sẽ có mùi thơm đặc trưng, hạt cơm bóng ướt và có nước cốt cơm rượu.
Múc rượu nếp cẩm ra bát và thưởng thức. Phần còn lại, bạn có thể để trong ngăn mát của tủ lạnh để bảo quản.
Món cơm rượu nếp cẩm có thể ăn riêng hoặc kèm với sữa chua cũng rất ngon. Trường hợp rượu cay, nồng quá, bạn có thể cho thêm rượu trắng vào để ngâm. Hoặc thêm trứng gà ta và hạ thổ dùng cho các chị em sau sinh cũng rất tốt.
Một Số Lưu Ý Khi Làm Cơm Rượu Nếp Cẩm Cho Ngày Tết Đoan Ngọ
Trong quá trình làm cơm rượu nếp cẩm, bạn có thể gặp một số tình huống ngoài ý muốn làm món ăn không như ý. Vậy cách giải quyết là gì?
1. Cơm Rượu Nếp Cẩm Bị Đắng, Chua Phải Làm Sao?
Nguyên nhân khiến rượu nếp cẩm bị chua thường do 3 nguyên nhân chính:
- Tỷ lệ men và cơm nếp cẩm không phù hợp, khiến cơm không thể lên men được. Có thể bạn đã cho quá ít men, làm cơm bị chua, hoặc cho quá nhiều men, làm cơm bị đắng.
- Thời gian và nhiệt độ không đủ để cơm lên men, làm hương vị không được như ý.
- Chưa biết cách làm rượu nếp cẩm đúng cách. Thay vì dùng hũ nhựa, bạn nên chọn hũ sành hoặc thủy tinh để cơm rượu nếp cẩm ngon hơn.
Trường hợp cơm rượu bị chua hoặc đắng, bạn không nên sử dụng nữa. Nếu cố tình ăn, có thể gây ngộ độc và đe dọa sức khỏe, thậm chí tính mạng.
2. Tỉ Lệ Men Rượu Nếp Cẩm Ngon
Kinh nghiệm thực tế cho thấy, để có bát cơm rượu nếp cẩm ngon trong ngày Tết Đoan Ngọ, bạn cần chú ý tỉ lệ men và cơm nếp. Thông thường, với 1kg cơm nếp, bạn cần dùng khoảng 50g men rượu.
Nên thêm men khi cơm còn ấm để quá trình lên men diễn ra nhanh chóng và hiệu quả hơn. Đừng quên rắc một chút men xuống dưới đáy hũ ủ cơm rượu để thành phẩm thêm ngon và thơm hơn.
3. Vì Sao Cơm Rượu Nếp Cẩm Bị Sượng?
Có 3 nguyên nhân khiến cơm rượu nếp cẩm bị sượng:
- Gạo nếp cẩm chọn không tốt, khiến cơm không mềm và chưa nở đều.
- Ngâm gạo quá ngắn, làm cho cơm chưa nở hết. Thời gian ngâm gạo lý tưởng là từ 6 – 8 tiếng.
- Nấu cơm với quá nhiều nước, làm cho cơm trở nên sượng và khô hơn bình thường.
Để khắc phục tình trạng này, bạn nên tuân thủ các hướng dẫn cách làm rượu nếp cẩm một cách đúng chuẩn. Hãy bắt đầu từ việc chọn gạo để có sản phẩm ngon và thơm như ý.
Cơm Rượu Nếp Cẩm Bao Nhiêu Calo? Ăn Có Tốt Không?
Cơm rượu nếp cẩm là món khoái khẩu của nhiều người. Thay vì mua ngoài hàng, nhiều chị em lựa chọn học cách làm rượu nếp cẩm tại nhà để đảm bảo hương vị ngon và an toàn cho sức khỏe.
1. Món Cơm Rượu Nếp Cẩm Bao Nhiêu Calo?
Cơm rượu nếp cẩm được làm từ gạo, nên chứa nhiều tinh bột. Theo ước tính của chuyên gia dinh dưỡng, cứ 100g gạo nếp cẩm sẽ chứa 357 calo. Tuy nhiên, sau quá trình nấu nướng và lên men, hàm lượng calo trong cơm rượu nếp cẩm sẽ giảm. Khoảng 100g cơm rượu nếp cẩm sẽ chứa khoảng 170 calo.
Như vậy, lượng calo trong rượu nếp cẩm không quá cao, bạn có thể ăn mà không phải lo lắng về việc tăng cân.
2. Ăn Rượu Nếp Cẩm Có Tốt Không?
Rượu nếp cẩm chứa nhiều chất dinh dưỡng có lợi cho cơ thể:
- Bổ sung rất nhiều vitamin và dưỡng chất quan trọng, giúp cơ thể khỏe mạnh.
- Tăng cường vi sinh trong hệ tiêu hóa, giúp tiêu hóa hiệu quả.
- Giảm nồng độ cholesterol xấu trong máu, từ đó giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch và huyết áp.
- Anthocyanin có trong rượu nếp cẩm giúp chống lại tác nhân gây ung thư.
- Bổ sung sắt cho cơ thể.
- Tốt cho da, ngăn ngừa lão hóa.
Mặc dù có nhiều lợi ích cho sức khỏe, nhưng cần lưu ý rằng có một số nhóm đối tượng không nên ăn rượu nếp cẩm:
- Người bị nóng trong, chức năng gan suy giảm.
- Những người khó ngủ, bứt rứt.
- Bệnh nhân bị dị ứng, chảy máu cam, phát ban, nổi mụn trứng cá.
- Trẻ em trong độ tuổi dậy thì.
Vậy là bạn đã biết cách làm rượu nếp cẩm đơn giản nhất mà ai cũng có thể thực hiện. Hãy tham khảo thêm cách làm cơm rượu nếp cái hoa vàng để có mâm lễ Tết Đoan Ngọ đủ đầy nhé.
Theo Gia đình và Xã hội